Lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đang tồn kho, tồn tại bãi lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Các cảng, đặc biệt là cảng Cát Lái, đã triển khai tiếp nhận lại dịch vụ đóng hàng gạo, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Với thông điệp “Doanh nghiệp và Tân cảng Sài Gòn- cùng đồng hành, cùng sẻ chia” trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn vừa triển khai tiếp nhận lại dịch vụ đóng hàng gạo tại bến 125 do Công ty CP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng quản lý và khai thác, thuộc khu vực cảng Tân cảng – Cát Lái.
VINAFOOD 1: Tồn kho lúa gạo 118.000 tấn, đẩy mạnh thu mua từ giữa tháng 8 | |
Đề nghị lập đường dây nóng toàn vùng ĐBSCL để gỡ khó cho thu mua lúa |
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khu vực phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp đóng hàng và mua gạo tại các kho thương mại; các doanh nghiệp chuyển qua hình thức đóng tàu rời cũng chịu ảnh hưởng nặng nề do thiếu nguồn nhân lực đóng xếp hàng hóa.
Trước tình hình đó, để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo trong nước và quốc tế, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã đưa ra giải pháp mở lại các băng chuyền phục vụ đóng gạo, tăng năng lực cho container xuất khẩu gạo, đảm bảo hàng hóa thông suốt qua cảng đồng thời duy trì phòng chống dịch.
Công ty CP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng thực hiện tiếp nhận lại dịch vụ đóng hàng gạo tại bến 125 thuộc khu vực cảng Tân cảng – Cát Lái, với quy mô 2 băng chuyền kép, năng suất 70 container/ngày.
Đồng thời, đơn vị triển khai dịch vụ đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ”, xét nghiệm cho công nhân thường xuyên để thực hiện dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đóng hàng xuất khẩu ngay tại bến cảng.
Ngoài việc đóng gạo xuất khẩu trực tiếp tại cảng Cát Lái, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn còn phát triển các cơ sở khác trong hệ thống đáp ứng được phương án 3 tại chỗ và hoạt động đóng container, cùng những nỗ lực về chính sách hỗ trợ tốt cho công nhân đóng hàng gạo như: ICD Tân Cảng – Nhơn Trạch, cảng Tân cảng – Hiệp Phước, với công suất 20-25 cont/ngày/cơ sở và Tân cảng – Cái Cui tại khu vực ĐBSCL, với công suất đóng từ 13 – 15 cont/ngày.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, việc triển khai lại dịch vụ đóng hàng gạo trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, thể hiện nỗ lực rất lớn của Công ty CP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng nói riêng cũng như các cơ sở trong toàn hệ thống Tân cảng Sài Gòn nói chung trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Việc giải phóng lượng hàng xuất gạo cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay giúp giảm áp lực đầu ra cho mặt hàng nông sản xuất khẩu, đảm bảo thông suốt chuỗi cung ứng hàng thiết yếu trong nước và quốc tế.
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến giữa 4 tỉnh: Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, thành phố Cần Thơ với Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) bàn giải pháp kết nối tiêu thụ lúa, nếp giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các đơn vị này nêu nhiều khó khăn trong việc thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo.
Theo lãnh đạo các tỉnh này, doanh nghiệp lúa gạo đang gặp khó trong việc đưa gạo ra cảng để xuất khẩu, lượng lúa gạo còn tồn kho nhiều và mong muốn có chính sách hỗ trợ vốn để tăng lượng thu mua; tạo thuận lợi trong việc di chuyển giữa các địa phương.
Tại cuộc họp, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinafood 1 cho biết, hiện nay chuỗi cung ứng logistics lúa gạo đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; lúa bị ách tắc từ đồng ruộng cho đến nhà máy, cảng xuất khẩu.
Chủ tịch Bùi Thị Thanh Tâm khẳng định, Vinafood 1 sẵn sàng thu mua lúa cho nông dân, hiện Vinafood 1 đang có đơn hàng 100.000 tấn gạo cần phải mua ngay để giao cho phía đối tác, nhưng “lực bất tòng tâm” vì chuỗi cung ứng logistics bị đứt gãy. Chưa kể các nhà máy ở An Giang và Đồng Tháp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp không thuê được tàu, hoặc container để xuất hàng cho đối tác, dẫn đến hàng hóa ùn ứ ở cảng và kho rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty Lương thực miền Bắc còn tồn hơn 118.000 tấn gạo trong các kho, trữ lượng hàng tồn từ 70% đến 86% tổng diện tích kho của các công ty trực thuộc.
Để tháo gỡ khó khăn, các tỉnh sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.
Cùng với đó, các đơn vị tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ sẽ làm việc với các cảng Mỹ Thới, cảng Thốt Nốt để có giải pháp nâng cao công suất đóng container, bốc dỡ hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Nguồn: Lê Thu (https://haiquanonline.com.vn)