Các hãng tàu không mặn mà vận chuyển hàng nông, thuỷ sản lạnh; người nông dân băn khoăn chuyện xuống giống, chăm sóc vườn cây, đầm tôm…, dễ gây thiếu hụt nguồn cung hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu trong tương lai là những nỗi lo lắng điển hình hiện nay khiến không ít doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương “đứng ngồi không yên”.

Thanh Long Việt Nam Xuất Khẩu đi Ấn Độ - Pakistan

Cước tăng, tàu hạn chế chở hàng lạnh

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thuỷ sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên diễn ra chiều nay 6/8/2021, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VINA T&T GROUP (doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây vào Mỹ, Canada, Nhật, Australia) cho biết, hiện doanh nghiệp có nhà máy ở Tiền Giang, Bến tre, nhà máy liên kết ở Đồng Tháp.

Công ty đang tiến hành thu mua dưa hấu, sầu riêng, nhãn, thanh long, vú sữa, xoài ở các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Tây Nguyên.

Nửa đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Công ty tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, không hề bị gián đoạn vì dịch bệnh. Nguyên nhân là bởi thị trường thế giới kiểm soát tốt dịch bệnh, nhu cầu tăng cao; đồng thời sản xuất trong nước ổn định cũng góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát mạnh mẽ đã gây ra một số vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả của doanh nghiệp.

Câu chuyện khó khăn đầu tiên được ông Nguyễn Đình Tùng nhắc tới là vùng nguyên liệu đang bị phong toả, giãn cách, thiếu hụt lượng lớn lực lượng lao động. Thời gian làm việc của doanh nghiệp hiện chỉ còn từ 6h sáng đến 6 tối.

“Trong khi đó bình thường, doanh nghiệp làm việc từ 3h sáng ra vùng nguyên liệu, 6h-7h tối là đem sản phẩm thu hoạch về nhà máy, làm đến khoảng 10-12h đêm. Nhà máy bình thường xử lý khoảng 200 tấn trái cây/ngày thì nay chỉ còn 30-40% công suất”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, nội dung nhức nhối hơn cả được lãnh đạo VINA T&T GROUP nhấn mạnh là vấn đề logistics. Giá cước vận tải đường biển hiện nay đã tăng gấp khoảng 5 lần so với trước khi bùng phát dịch Covid-19.

Thậm chí có thông tin rằng, nguy cơ các hãng tàu sẽ không nhận vận chuyển hàng lạnh, trong đó có hàng rau quả lạnh. Trên thực tế hiện nay, các hãng tàu cũng đang rất hạn chế vận chuyển hàng lạnh vì giá thành vận chuyển bằng hàng khô nhưng rủi ro cao.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Tùng cũng đặt ra vấn đề, sau khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít bà con nông dân tại các địa phương đang rất hoang mang, không biết dịch sẽ kéo dài bao lâu và băn khoăn có nên đầu tư cây trồng hay không.

Bà con nông dân nảy sinh tâm lý không muốn chăm sóc cây trồng. “Điều này có thể gây ra tình trạng thiếu lượng lớn hàng hoá chất lượng cao phục vụ xuất khẩu sau khi dịch Covid-19 qua đi”, ông Nguyễn Đình Tùng đánh giá.

Xung quanh những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, đại diện UBND tỉnh Cà Mau cho biết, ĐBSCL là trọng điểm cả nước về sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản, nông sản, trái cây. Với Cà Mau, trọng điểm là mặt hàng thuỷ sản. Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 30 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu.

Tình hình dịch bệnh phức tạp chỉ cho phép các cơ sở đảm bảo tổ chức được sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “2 điểm đến 1 cung đường” được hoạt động. Dù địa phương và cộng đồng doanh nghiệp rất cố gắng nhưng toàn bộ doanh nghiệp cũng không để đáp ứng được yêu cầu để được duy trì sản xuất.

“Năng lực sản xuất giảm sút, nguyên liệu sẽ dư thừa dẫn tới giảm giá. Nếu giảm giá đến mức người nông dân hết lãi thì tương lai sẽ không duy trì được sản xuất. Sau làn sóng Covid-19 sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu”, vị này cho biết.

“Bắt tay” gỡ khó

Trong bối cảnh hiện tại nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, cụ thể là Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức làm việc với các hãng tàu, thương lượng theo hướng ưu tiên vận chuyển hoặc ít nhất là vận chuyển một phần hàng lạnh.

“Nếu hãng tàu ngừng vận chuyển hàng lạnh sẽ gây ách tắc xuất khẩu, sản xuất ra không tiêu thụ được. Vừa rồi cơ quan quản lý nhà nước đã làm việc nhiều với các hãng tàu nhưng chưa tìm được tiếng nói chung; cần cố gắng đàm phán để giúp đưa thêm tàu, đưa thêm container lạnh vào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị được giảm bớt tiền điện cho cơ sở dự trữ hàng hoá, đông lạnh”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đánh giá vấn đề thiếu container hay ứ đọng hàng hoá ở cảng xuất khẩu đã diễn ra khá dài nhưng khắc phục còn chậm, đại diện UBND tỉnh Cà Mau đưa ra kiến nghị, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, hiệp hội, ngành hàng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ tích cực hơn; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu ở từng khu vực một cũng như trong cả nước.

Từ góc độ lãnh đạo ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ, đồng thời đề nghị Bộ Công Thương, các bộ ngành, các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Tây nguyên triển khai nhiều giải pháp.

Đó là, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, hoạt động các cảng cá, tàu đánh bắt hải sản,… vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của hàng ngàn hộ nông dân kể cả trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ giá điện sản xuất cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông, thủy sản để tăng cường mua nông sản bảo quản sản phẩm đông lạnh…

Thanh Nguyễn (haiquanonline.com.vn)

Chat Zalo